Chuyên mục: Chưa được phân loại
Thép Việt thất thế ở ASEAN
Trong khi tăng trưởng khá ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan thì tại ASEAN, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam lại sụt giảm trầm trọng
Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu sắt thép của cả nước đạt 2,53 triệu tấn, thu về 1,45 tỉ USD (tăng 36,8% về lượng và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Vướng rào cản thương mại
9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sắt thép sang Indonesia tăng 13,3% về lượng nhưng giảm 7,91% về kim ngạch; xuất khẩu sang Campuchia giảm 17,7% về lượng và 31,56% về kim ngạch; sang Lào giảm 20,68% về lượng và 37,45% về kim ngạch… Tại Thái Lan, sắt thép Việt Nam giảm đến 38,8% về lượng và 47,13% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới do bị áp thuế chống bán phá giá. Bộ Công Thương xác nhận Việt Nam xuất khẩu thép sang ASEAN giảm đến 27,7%, cao nhất trong các ngành có kim ngạch sụt giảm.

Thép Việt đang bị cạnh tranh gay gắt cả trong và ngoài nước Ảnh: TẤN THẠNH
Ngành thép đang thừa khoảng 40% công suất. Trong khi đó, nhiều nhà máy thép lại mở rộng quy mô, nâng công suất và sắp tới, một số dự án mới đi vào hoạt động sẽ khiến tình trạng dư thừa nguồn cung thêm trầm trọng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp (DN) thép trong nước. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thép sang các thị trường khác tăng trưởng khá, bù đắp phần sụt giảm ở thị trường khu vực. Tuy nhiên, nếu xuất khẩu sang ASEAN sụt giảm kéo dài sẽ gây khó khăn lớn cho DN thép trong nước.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, nhận định song song với những điều khoản mở cửa thị trường theo các hiệp định thương mại, các quốc gia dựng lên nhiều rào cản thương mại phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ sản xuất nội địa. Các nước Đông Nam Á cũng đã làm như vậy. Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép Việt Nam.
Trong đó, Cục Ngoại thương (DFT) – Bộ Công Thương Thái Lan vừa quyết định áp thuế chống bán phá giá 310,74% đối với sản phẩm ống thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Cơ quan này cũng dự kiến áp thuế chống bán phá giá 7,94% – 40,49% đối với sản phẩm tôn lạnh của Việt Nam.
Chủ tịch một công ty thép lớn trên địa bàn TP HCM cho biết đang xuất khẩu sản phẩm sang Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia… nhưng những thị trường này không ổn định do bị cạnh tranh gay gắt bởi thép Trung Quốc. Hiện nguồn cung thép từ Trung Quốc đổ vào ASEAN rất lớn dẫn đến áp lực cạnh tranh cao, Doanh Nnghiệp Việt Nam không “đua” được về giá.
Bên cạnh đó, ngoài tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như áp thuế chống bán phá giá, thuế phòng vệ thương mại, nhiều nước ASEAN còn dựng rào cản liên quan đến hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu phức tạp hơn, kéo dài thời gian xem xét hồ sơ, đòi hỏi thêm nhiều chứng nhận liên quan… gây khó khăn cho DN xuất khẩu.
Chôn vốn vì khó hoàn thuế
Một nguyên nhân khác khiến nhiều DN giảm xuất khẩu sang các nước láng giềng là gặp khó khăn về vốn do thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài. Đặc thù ngành thép là hàng hóa có giá trị lớn, biên lợi nhuận chỉ từ 2% – 3%. Trong khi lợi nhuận thấp, nhiều DN còn bị “tạm giữ” 7% – 8% vốn do chờ hoàn thuế giá trị gia tăng.
Nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết, mới đây, ông Đinh Công Khương Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thép Khương Mai, có văn bản kêu cứu đến UBND TP HCM vì tiền hoàn thuế bị ngâm quá lâu. Theo văn bản này, gần 7 tỉ đồng tiền hoàn thuế của công ty từ tháng 10-2011 đến nay vẫn chưa được giải quyết dù đã qua nhiều lần làm việc với cơ quan liên quan. “Cơ quan thuế yêu cầu công ty bổ sung nhiều loại chứng từ, kể cả xác nhận của hải quan các cửa khẩu, trong khi phía hải quan trả lời là không cần các chứng từ đó vì đã vận hành hệ thống điện tử, chỉ cần lên mạng kiểm tra là có đầy đủ thông tin” – ông Khương bức xúc.
Ông Khương cho biết nhiều năm qua, Campuchia là thị trường tiêu thụ sắt thép tiềm năng của các DN ở TP HCM. Kinh tế Campuchia thường xuyên tăng trưởng ở mức trên dưới 7%/năm, DN ở đây chuộng nhập khẩu sắt thép từ Việt Nam do giá phải chăng, vận chuyển thuận lợi. Thế nhưng, DN Việt gần đây dè dặt xuất khẩu thép sang thị trường này do hoàn thuế quá phức tạp, kéo dài dẫn đến thiếu vốn. Trước đây, mỗi năm, Công ty TNHH Thép Khương Mai xuất khoảng 3.000-4.000 tấn thép sang Campuchia nhưng hiện chỉ còn khoảng 30%.
Ngày càng đối mặt nhiều thách thức ở thị trường khu vực, các DN xuất khẩu thép tìm đến những thị trường khác. Tuy nhiên, việc chinh phục các thị trường khó tính như Canada, Mỹ… là không dễ bởi hàng loạt yêu cầu nghiêm ngặt của nước nhập khẩu về chất lượng, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường…
Theo Người Lao Động
Doanh nghiệp thêm khó vì nhân dân tệ
“Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc cũng muốn tôi giao dịch bằng CNY. Với việc CNY được quốc tế hóa, không ít đối tác nhiều lần đề nghị thay vì thanh toán bằng USD, sẽ thanh toán bằng CNY”, ông Viên cho biết. Theo ông, các DN Trung Quốc muốn mua bán bằng CNY để họ giảm chi phí, không phải chuyển đổi ngoại tệ nhiều vòng, trong khi DN VN vẫn phải chịu chi phí quy đổi và dần dần lệ thuộc vào đồng CNY trong thanh toán.
|
Tự tạo cơ hội: Đổi đời với cây lác
Hơn 10 năm trước, đang làm tại một công ty chế biến thủy sản với mức lương khá cao, chị Trương Thị Phương Trang bỗng dưng nộp đơn xin nghỉ việc để về quê… trồng lác!
Sẽ vận hành 2 trung tâm hỗ trợ Startup tại Hà Nội và TP HCM
Hai khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo này sẽ được thiết lập và dự kiến vận hành trong năm sau.
Phiên họp lần thứ nhất Ban điều hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” vừa diễn ra mới đây.
Bộ Khoa học và Công nghệ (đơn vị chủ trì đề án) cho biết, thời gian qua, các bên liên quan xem xét quy định về việc thành lập và hoạt động của các khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội và TP HCM. Dự kiến, từ nay đến 2017 sẽ thiết lập và vận hành 2 khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp này.
Bên cạnh đó, để kết nối cộng đồng Startup Việt, sự kiện Ngày hội khởi nghiệp Techfest 2016 và 2017 sẽ được tổ chức với quy mô quốc tế. Trong năm 2017, Đề án sẽ tập trung xây dựng và cập nhật Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; tổ chức các sự kiện khởi nghiệp quy mô địa phương, liên kết viện, trường…
Trước đó, vào tháng 5, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng phê duyệt.
Mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đến năm 2025, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán, sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nhựa xây dựng cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà
Ngành nhựa xây dựng có tiềm năng phát triển mạnh với mức tăng trưởng 15 đến 20% mỗi năm, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức như nguy cơ bị thâu tóm, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu…
Đó là nhận định của ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tại hội thảo Ngành nhựa xây dựng – Câu chuyện cạnh tranh trên sân nhà được tổ chức mới đây tại TP HCM.
Ông Bắc cho biết, hiện thị phần nhựa xây dựng chiếm 18,2% tổng ngành nhưng đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Cụ thể, quy hoạch phát triển ngành nhựa tính đến năm 2020 sẽ tăng thị phần của nhựa xây dựng lên 25%. Theo chiến lược của Bộ Xây dựng, trong vài năm tới thì tốc độ phát triển nhà ở sẽ tăng từ 10% đến 15%, kéo theo nhu cầu sử dụng thanh nhựa để làm cửa sổ tăng mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ cửa nhựa sử dụng bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ 30kg lên hơn 40 kg trong vòng chưa đầy 3 năm.
“Nguồn cung nguyên liệu đang tăng dần từ sự phát triển của các nhà máy hóa dầu là một lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất thanh nhựa, trong khi trước đây doanh nghiệp phải nhập khẩu 100%”, ông Bắc đánh giá về các yếu tố góp phần vào sự phát triển của ngành. Đồng thời, ông cũng cho biết hiện ngành nhựa xây dựng đang đối diện với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là sự cạnh tranh thay thế sản phẩm và thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại thông qua kênh mua bán sáp nhập.
![]() |
Doanh nghiệp nhựa xây dựng trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh lớn. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu VietinBankSc cho biết, đối với riêng sản phẩm ống nhựa xây dựng do đặc trưng là cồng kềnh, khó vận chuyển nên sản phẩm nhập ngoại khó tiếp cận thị trường trong nước. Bù lại, nhiều doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là Thái Lan đang âm thầm tiến vào thị trường này thông qua kênh mua bán sáp nhập.
“Công ty con của Tập đoàn SCG là Nawaplastic Industries đang mở rộng thị phần tại Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập lớn. Hiện SCG đang nắm giữ cổ phần tại 2 ông lớn của ngành nhựa là Nhựa Tiền Phong (23,84%) và Nhựa Bình Minh (20%)”, ông Đăng nêu dẫn chứng và cho biết thêm, theo khảo sát của đơn vị này thì một doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang “dòm ngó” thị trường nhựa xây dựng.
Cũng theo ông Đăng, hệ thống cửa nhựa với vật liệu chính là nhựa profile đang phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm nhôm và gỗ truyền thống. Bên cạnh đó, hàng hóa sản xuất bởi các doanh nghiệp nhựa trong nước chiếm khoảng 60% thị phần, còn lại 40% nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Malaysia và một số nước châu Âu. Trong đó, hàng nhập khẩu Trung Quốc với mẫu mã phong phú, đa dạng nên đang chiếm thị phần lớn trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là thị trường thanh profile.
Tuy nhiên, cũng tại hội thảo này, một số chuyên gia trong ngành cho biết việc sản phẩm nhựa xây dựng chịu sức ép cạnh tranh là điều đáng lưu tâm. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể lạc quan để sản xuất bởi nếu so sánh với một số sản phẩm nhập ngoại thì hàng nội địa vẫn chiếm nhiều ưu thế. Việc trước mắt doanh nghiệp nhựa Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất… để vượt qua những đối thủ trong khu vực.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á, nêu ví dụ so sánh ưu khuyết điểm của hàng nội địa với nhập khẩu: “Thời gian bảo hành thanh profile của chúng tôi lên đến 12 năm, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm này từ Trung Quốc không có chính sách bảo hành hoặc đổi trả hàng nếu có hư hao”.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết thêm vì vận chuyển chỉ chiếm 3% đến 4% chi phí nên giá bán cũng cạnh tranh. Doanh nghiệp này sẵn sàng đáp ứng hàng cho khách nếu có sẵn trong kho, hoặc chậm nhất chỉ mất 7 đến 10 ngày, trong khi nếu đặt mua từ Trung Quốc thì có thể kéo đến 40 ngày.
Cho phép phá sản doanh nghiệp Nhà nước nếu để thua lỗ
Hơn 82% trên tổng số 407 đại biểu Quốc hội tham dự đã nhất trí thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với nhiều điểm mới.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu hoàn thành tái cơ cấu 3 trọng tâm gồm đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong 5 năm tới.
Để hiện thực hoá các mục tiêu, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cũng giống như kế hoạch đặt ra 5 năm trước, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước vẫn đặt trọng tâm vào các tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên quá trình cơ cấu lần này được nhấn mạnh “đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn”. Thông qua cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải thực hiện theo hướng công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp cổ phần hoá phải được niêm yết trên sàn chứng khoán một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực.
Với các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả, Quốc hội yêu cầu Chính phủ xử lý dứt điểm; xem xét, thực hiện phá sản số doanh nghiệp này theo quy định pháp luật.
![]() |
Tái cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới sẽ có thể cho phép phá sản doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ. |
Với trọng tâm cơ cấu đầu tư công, Chính phủ sẽ cơ cấu mạnh thu chi ngân sách bằng cách thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia.
“Thực hành tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, chỉ vay trong khả năng trả nợ và kiểm soát chặt khoản vay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước”, Nghị quyết nêu.
Cơ quan lập pháp cũng giao Chính phủ trong 5 năm tới phải hoàn thành cơ bản việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng chuẩn mực này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Vũ Hồng Thanh, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Nghị quyết “chốt” chỉ tiêu về bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP, nợ công không quá 65% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Tỷ trọng đầu tư Nhà nước khoảng 31-34% tổng đầu tư xã hội.
Tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP… sau 5 năm nữa…
Anh Minh
TÌNH HÌNH CHUNG VỀ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP THÁNG 10 VÀ 10 THÁNG NĂM 2016
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10 năm 2016
Trong tháng 10 năm 2016, số doanh nghiệp được thành lập mới là 10.314 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 81.524 tỷ đồng, tăng 28,2% về số doanh nghiệp và tăng 7,1% về số vốn đăng ký so với tháng 9/2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 10 đạt 8,0 tỷ đồng, giảm 16,5% so với tháng trước.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 10 trên cả nước là 1.976 doanh nghiệp, tăng 9,8% so với tháng 9/2016.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 là 132,6 nghìn lao động, tăng 85,5% so với tháng trước.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 10 của cả nước là 930 doanh nghiệp, tăng 5,0% so với tháng 9/2016.
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.596 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với tháng trước đó.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 4.780 doanh nghiệp, tăng 26,4% so với tháng 9/2016.
2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2016
Trong 10 tháng năm 2016, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 114.251 doanh nghiệp, trong đó: có 91.765 doanh nghiệp thành lập mới và 22.486 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 10 tháng năm 2016 là 17.574 doanh nghiệp, các doanh nghiệp này sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh doanh.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 10 tháng năm 2016 là 33.131 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng năm nay là 9.295 doanh nghiệp.
Tình hình doanh nghiệp thành lập mới của cả nước trong 10 tháng năm 2016
– Về tình hình chung:
Trong 10 tháng năm 2016, cả nước có thêm 91.765 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 710.618 tỷ đồng, tăng 18,3% về số doanh nghiệp và 46,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015 (So sánh 2015/2014: doanh nghiệp tăng 29,2%; vốn tăng 37,9%).
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm 2016 là 2.055.725 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 710.618 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 1.345.107 tỷ đồng.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2016 đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2016 là 1.061,3 nghìn lao động, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
– Theo loại hình doanh nghiệp:
Trong 10 tháng năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới tập trung nhiều nhất ở loại hình công ty TNHH 1 thành viên với 49.785 doanh nghiệp đăng ký, tiếp đến là loại hình công ty TNHH 2 thành viên là 23.225 doanh nghiệp, loại hình công ty cổ phần là 15.079 doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp tư nhân là 3.664 doanh nghiệp và loại hình công ty hợp danh là 12 doanh nghiệp.
Trong số các loại hình doanh nghiệp thành lập chỉ có duy nhất loại hình doanh nghiệp tư nhân là có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm (18,8%) so với cùng kỳ, các loại hình doanh nghiệp còn lại đều có số thành lập tăng so với cùng kỳ.
Về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp cho thấy trong 10 tháng năm 2016, loại hình công ty cổ phần có tỷ trọng vốn đăng ký bình quân cao nhất là 20,4 tỷ đồng/doanh nghiệp; tiếp đến là công ty TNHH 2 thành viên trở lên là 6,4 tỷ đồng/doanh nghiệp; công ty TNHH 1 thành viên là 5,0 tỷ đồng/doanh nghiệp; doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh là 1,6 tỷ đồng/doanh nghiệp.
– Theo vùng lãnh thổ:
So sánh tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 10 tháng năm 2016 phân theo vùng lãnh thổ tại Biểu đồ 1 cho thấy:
+ Về tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, các vùng đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 12.538 doanh nghiệp với tỷ lệ tăng nhiều nhất là 23,5%; tiếp đến là Đồng bằng Sông Hồng có 27.656 doanh nghiệp, tăng 20,1%; Đông Nam Bộ có 39.374 doanh nghiệp, tăng 17,4%; Trung du và miền núi phía Bắc có 3.472 doanh nghiệp, tăng 15,8%; Tây Nguyên có 2.192 doanh nghiệp, tăng 15,6%; và Đồng bằng Sông Cửu Long có 6.533 doanh nghiệp, tăng 10,2%.
+ Về tình hình vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tại các vùng lãnh thổ đều tăng so với cùng kỳ năm 2015, cụ thể: Tây Nguyên đăng ký 14.549 tỷ đồng, tăng 77,8%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đăng ký 72.628 tỷ đồng, tăng 52,3%; Đồng bằng Sông Hồng đăng ký 238.422 tỷ đồng, tăng 51,7%; Đông Nam Bộ đăng ký 303.703 tỷ đồng, tăng 50,6%; Trung du và miền núi phía Bắc đăng ký 34.345 tỷ đồng, tăng 23,1% và Đồng bằng Sông Cửu Long đăng ký 46.973 tỷ đồng, tăng 7,9%.
Thống kê tỷ lệ lao động tại Biểu đồ 2 cho thấy tình hình lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2016 chia theo vùng lãnh thổ giảm ở hầu hết các vùng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đăng ký 170.171 lao động, giảm 27,5%; Tây Nguyên đăng ký 21.732 lao động, giảm 25,2%; Đồng bằng Sông Hồng đăng ký 340.182 lao động, giảm 6,0%; Đồng bằng Sông Cửu Long đăng ký 140.680, giảm 3,4%; Trung du và miền núi phía Bắc đăng ký 67.241 lao động, giảm 3,1%; duy nhất, khu vực Đông Nam Bộ là có số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,5% với 321.313 lao động.
– Theo lĩnh vực hoạt động:
So sánh tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 10 tháng năm 2016 phân theo lĩnh vực hoạt động tại Biểu đồ 3 cho thấy:
+ Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới giảm ở 02 ngành nghề so với cùng kỳ năm 2015, cụ thể: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí đăng ký 1.153 doanh nghiệp, giảm 29,5% và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đăng ký1.520 doanh nghiệp, giảm 16,2%. Các ngành nghề còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước.
+ Về tỷ lệ vốn đăng ký, thống kê cho thấy có 03 ngành có tỷ lệ vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ, bao gồm: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí đăng ký 4.450 tỷ đồng, giảm 15,8%; Khai khoáng đăng ký 6.613 tỷ đồng, giảm 6,1% và Xây dựng đăng ký 107.589 tỷ đồng giảm 0,7%. Các ngành còn lại đều có tỷ lệ vốn đăng ký tăng so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 10 tháng năm 2016, một số ngành, lĩnh vực thu hút nhiều số lao động gia nhập thị trường, gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo là 498.397 lao động; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy là 192.145 lao động; Xây dựng là 94.899 lao động; Vận tải kho bãi với 43.489 lao động;…
Nguyễn Thu Hà
(Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh)
MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH VIỆT NAM 10 THÁNG NĂM 2016
Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực hết sức trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm khơi thông các nguồn lực có thể đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Cùng với việc chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách thể hiện quyết tâm cao trong việc hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp như Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP. Để có cơ sở đánh giá thực chất về tình hình đăng ký doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sau quá trình triển khai áp dụng các chính sách này, Bà Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã cung cấp một số thông tin liên quan. Dưới đây là nội dung chi tiết.
Bà Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục QLĐKKD
Câu hỏi: Thưa Cục trưởng, xin Bà cho biết tình hình môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam năm 2016 được thể hiện như thế nào dưới góc độ đăng ký kinh doanh?
Cục trưởng Cục QLĐKKD:
Mức độ thuận lợi về khởi sự kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của một quốc gia. Tại Việt Nam, cộng đồng trong nước luôn có đánh giá tích cực đối với những cải thiện của lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Kể từ năm 2005 đến nay, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI luôn ghi nhận Gia nhập thị trường là lĩnh vực được cộng đồng doanh nghiệp hài lòng nhất. Tại Báo cáo PCI 2015 cũng khẳng định, Gia nhập thị trường là một trong những lĩnh vực có bước tiến lớn nhất và cũng đạt điểm số cao nhất trong vòng 11 năm điều tra PCI với 8,47/10 điểm.
Số liệu tình hình đăng ký doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2016 cũng đã cho thấy những tín hiệu tốt về tình hình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, cụ thể là:
– Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký đạt kỷ lục so với cùng kỳ các năm từ trước đến nay. Trong tháng 10/2016 có 10.314 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn là 81.524 tỷ đồng, tăng 28,2% về số doanh nghiệp và tăng 7,1% về số vốn đăng ký so với tháng 9/2016; trong 10 tháng năm 2016 có 91.765 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn là 710.618 tỷ đồng, tăng 18,3% về số doanh nghiệp và tăng 46,2% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015.
Thống kê theo tháng cho thấy, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký của mỗi tháng năm 2016 đều tăng so với cùng kỳ các năm 2015, 2014 (ngoại trừ tháng 2/2016 có số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm so với cùng kỳ năm 2015 do trùng với tháng Tết Âm lịch).
– Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh. Trong tháng 10/2016 có 1.976 doanh nghiệp, tăng 9,8% so với tháng 9/2016; trong 10 tháng có 22.864 doanh nghiệp, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước.
– Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể giảm mạnh. Trong tháng 10/2016 có 4.780 doanh nghiệp, giảm 26,4% so với tháng 9/2016; trong 10 tháng có 33.131 doanh nghiệp, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước.
– Một số ngành có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tăng cao trong 10 tháng năm 2016 gồm: Kinh doanh bất động sản (doanh nghiệp tăng 93,5%, vốn tăng 213,5%); Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (doanh nghiệp tăng 26,5%, vốn tăng 100,7%); Y tế và trợ giúp cộng đồng (doanh nghiệp tăng 55,7%, vốn tăng 33,3%).
Câu hỏi: Cộng đồng trong nước đánh giá lĩnh vực đăng ký kinh doanh rất tốt, tuy nhiên, tại Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017 do Ngân hàng Thế giới công bố gần đây thì chỉ số Khởi sự kinh doanh của nước ta lại bị đánh tụt 10 bậc. Xin Cục trưởng cho ý kiến về vấn đề này?
Cục trưởng Cục QLĐKKD:
Xếp hạng chung của Việt Nam tại Báo cáo MTKD 2017
Tháng 10/2016, Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017. Tại Báo cáo này, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được đánh giá tăng 9 bậc (từ thứ 91 lên thứ 82) và là một trong những quốc gia có sự cải thiện thứ hạng tốt nhất, sau Brunei (tăng 25 bậc) và Indonesia (tăng 15 bậc). Với thứ hạng này, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc, vươn lên đứng thứ 5 trong khối các nước ASEAN. Về các chỉ số thành phần, có 4 chỉ số tăng hạng là: Bảo vệ nhà đầu tư (tăng 31 bậc), Nộp thuế (tăng 11 bậc), Thương mại xuyên biên giới (tăng 15 bậc), Tiếp cận điện (tăng 5 bậc); các chỉ số còn lại bị giảm thứ hạng là: Khởi sự kinh doanh (giảm 10 bậc), Xin giấy phép xây dựng (giảm 3 bậc), Tiếp cận vốn (giảm 3 bậc), Đăng ký sở hữu tài sản (giảm 1 bậc), Thực hiện các hợp đồng (giảm 1 bậc).
Về thứ hạng Khởi sự kinh doanh của Việt Nam
Ngân hàng Thế giới mô tả quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam bao gồm 09 bước, trong đó có 04 bước thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đó là: (Bước 1) Kiểm tra tên doanh nghiệp, thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đồng thời là thủ tục đăng ký thuế tại Phòng Đăng ký kinh doanh địa phương; (Bước 2) Làm con dấu doanh nghiệp; (Bước 3) Đăng ký mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh; (Bước 6) Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; 05 bước còn lại thuộc phạm vi của Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Về đánh giá của Ngân hàng Thế giới đối với 4 bước thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT, có nhiều điểm chưa thỏa đáng, thiếu chính xác so với khung pháp lý và thực tiễn.
Về bước 1: Kiểm tra tên doanh nghiệp, thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đồng thời là thủ tục đăng ký thuế tại Phòng ĐKKD địa phương
Đối với bước này, thông tin về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Báo cáo MTKD 2017 không phản ánh đúng quy định của pháp luật và thực tế triển khai. Cụ thể, thời gian đưa ra tại Báo cáo là 05 ngày, trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 78/NĐ-CP đã quy định thời hạn cấp đăng ký doanh nghiệp tối đa là 03 ngày, và trên thực tế theo số liệu thống kê từ Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì hiện nay thời gian trung bình thực hiện thành lập mới doanh nghiệp đã được rút xuống chỉ còn 2,9 ngày, thời gian trung bình đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp là 2,05 ngày.
Về bước 2: Làm con dấu doanh nghiệp
Báo cáo MTKD 2017 mô tả thời gian thực hiện bước này là từ 2-4 ngày. Thời gian này là không chính xác so với thực tế triển khai. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ việc doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu với cơ quan công an, đồng thời, doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu. Bởi vậy, “làm con dấu” không còn là một thủ tục hành chính như trước đây mà là một giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp và cơ sở khắc dấu, và có thể hoàn thành trong thời gian rất ngắn chỉ tính bằng giờ.
Về bước 3: Đăng ký mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh
Báo cáo MTKD 2017 mô tả: thời gian thực hiện bước này là 05 ngày và “doanh nghiệp có thể bắt đầu sử dụng con dấu sau khi nhận được Thông báo mẫu con dấu đã được công bố”; đồng thời đánh giá: quy định này khiến cho việc khởi sự kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Mô tả và đánh giá này hoàn toàn sai so với quy định pháp lý và thực tế triển khai, cụ thể:
– Về quy trình, Nghị định số 78/NĐ-CP đã quy định rõ: doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo mẫu con dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh và đây không phải là thủ tục để xin chấp thuận mẫu con dấu. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ có trách nhiệm đăng tải mẫu dấu của doanh nghiệp lên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không đưa ra bất cứ “chấp thuận” hay “Thông báo mẫu con dấu đã được công bố”.
– Về thời gian, theo thiết kế của Hệ thống Thông tin quốc gia về ĐKDN, ngay sau khi cán bộ ĐKKD tiếp nhận thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp và ấn nút chấp thuận thì mẫu dấu sẽ được tự động đăng tải lên Cổng Thông tin, không mất thời gian 2-4 ngày như thông tin mà Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra.
– Việc bãi bỏ quy định đăng ký mẫu dấu với cơ quan công an, cho phép doanh nghiệp tự quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu là một trong những điểm cải cách lớn nhất của Luật Doanh nghiệp 2014. Mục đích của quy định đăng tải công khai mẫu dấu trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại Nghị định số 78/NĐ-CP là nhằm nâng cao tính minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh. Tính đến nay, đã có hơn 130 nghìn mẫu dấu được công bố công khai trên Cổng Thông tin.
Về bước 6: Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Theo mô tả tại Báo cáo MTKD 2017, thời gian thực hiện thủ tục này là 05 ngày. Mô tả này là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý cũng như căn cứ thực tiễn vì:
Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 78/NĐ-CP không có quy định này. Trên thực tế, việc công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp có thể được thực hiện bằng 02 cách: (1) trực tiếp đến Phòng ĐKKD để yêu cầu đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy Chứng nhận ĐKDN hoặc (2) đăng ký đồng thời tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp (trong trường hợp này, việc đăng công bố sẽ được thực hiện tự động khi cán bộ ĐKKD ấn nút chấp thuận cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Trong cả 02 trường hợp này, doanh nghiệp đều đã hoàn thành nghĩa vụ về đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật mà không cần phải chờ đợi kết quả xử lý.
Một số điểm lưu ý khác liên quan đến chỉ số Khởi sự kinh doanh
– Như đã đề cập ở trên, thực tế tại Việt Nam, cộng đồng trong nước luôn có đánh giá tích cực đối với những cải thiện của lĩnh vực đăng ký kinh doanh.
– Tại các diễn đàn đăng ký kinh doanh quốc tế (như Diễn đàn Đăng ký kinh doanh khu vực ASEAN được tổ chức ngày 13/6/2016 tại Hà Nội, Hội thảo Kỹ thuật lần 2 năm 2016 của Diễn đàn Đăng ký kinh doanh khu vực ASEAN tổ chức tại Malaysia ngày 18-19/10/2016), đại diện một số nước cũng đã có ý kiến cho rằng những đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh hàng năm đã không cập nhật hoặc không phản ánh đúng thực tế thực hiện tại các nước. Năm nay, một số nước trong khu vực ASEAN cũng bị đánh giá giảm thứ hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh là: Malaysia giảm 53 bậc, Brunei giảm 9 bậc, Phillipines giảm 7 bậc.
Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
Lê Thị Xuân Huế
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Hai ngày không trả lời, coi như đồng ý cấp phép kinh doanh
TTO – Đó là chỉ đạo mới của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến liên quan đến việc cấp đăng ký kinh doanh các ngành, nghề theo quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn TP.
Trong thời gian các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn TP chưa được phê duyệt, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh có đăng ký các ngành, nghề, Sở Kế hoạch và đầu tư hoặc UBND quận, huyện có văn bản gửi Sở Du lịch có ý kiến đối với ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch”.
Sở Y tế có ý kiến đối với ngành, nghề kinh doanh “dịch vụ massage (xoa bóp)”. Sở Văn hóa và thể thao có ý kiến đối với ngành, nghề “dịch vụ karaoke”, “vũ trường”. Sở Công thương có ý kiến đối với ngành, nghề “kinh doanh, chiết nạp, tồn trữ khí dầu mỏ hóa lỏng LPG”, “sản xuất, bán buôn, bán lẻ hóa chất”.
Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Sở Kế hoạch và đầu tư hoặc UBND quận, huyện gửi văn bản đề nghị các sở nêu trên đề nghị có ý kiến.
Kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, trong thời hạn 2 ngày làm việc, các sở nêu trên phải có ý kiến bằng văn bản, trong đó nêu rõ chấp thuận hay không chấp thuận cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký ngành, nghề trên.
Sau thời hạn này mà Sở Kế hoạch và đầu tư hoặc UBND quận, huyện không nhận được văn bản của Sở Du lịch, Sở Y tế, Sở Văn hóa và thể thao và Sở Công thương thì xem như đã chấp thuận và Sở Kế hoạch và đầu tư, UBND quận, huyện tiến hành cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, Sở Du lịch, Sở Y tế, Sở Văn hóa và thể thao và Sở Công thương chịu trách nhiệm trước UBND TP.
Việc gửi văn bản của các cơ quan này thông qua thư điện tử của cơ quan trong hệ thống thư điện tử của TP. Trường hợp có sự cố kỹ thuật không gửi được thông qua hệ thống thư điện tử thì gửi bằng bản giấy.
Theo Tuổi Trẻ
Kinh doanh đồ handmade
